Đánh răng là việc làm cơ bản nhưng đóng vai trò hết sức quan trọng trong quy trình chăm sóc răng miệng mỗi ngày. Dù vậy, không phải ai cũng biết đánh răng đúng cách. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu chi tiết về các bước đánh răng chuẩn để có một hàm răng khỏe và nụ cười tự tin nhé!
Mục lục
Tầm quan trọng của việc đánh răng đúng cách
Đánh răng là bước vệ sinh cá nhân cơ bản nhưng rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe răng miệng. Theo đó, việc đánh răng đúng cách có thể đem lại những lợi ích như:
- Làm sạch khoang miệng: Đánh răng sẽ giúp loại bỏ các mảnh thức ăn còn sót lại và mảng bám trên bề mặt răng, làm sạch toàn bộ khoang miệng, hạn chế hình thành cao răng, giúp đem lại hàm răng trắng sáng và nụ cười rạng rỡ hơn.
- Ngăn ngừa các bệnh lý răng miệng: Duy trì thói quen đánh răng đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa hiệu quả các bệnh lý răng miệng như viêm lợi, nha chu, sâu răng… cho hàm răng khỏe mạnh hơn.
- Giúp hơi thở thơm mát, tự tin hơn: Các hoạt chất trong kem đánh răng không chỉ giúp loại bỏ mảng bám, vi khuẩn gây mùi khó chịu trong khoang miệng mà còn có hương thơm tự nhiên từ các thành phần như bạc hà, trà xanh, hoa cúc… giúp hơi thở thơm mát hơn, đem lại cảm giác tự tin, sảng khoái.
Ngoài ra, đánh răng và vệ sinh răng miệng đúng cách cũng được cho là có khả năng đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời khác như: giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các viêm nhiễm khác cho toàn cơ thể, tăng cường trí nhớ, giảm nguy cơ sinh non ở phụ nữ mang thai…
Đánh răng đúng cách như thế nào?
Dưới đây là các bước đánh răng cơ bản bạn có thể tham khảo áp dụng:
Bước 1: Súc miệng với nước để làm sạch khoang miệng
Trước khi đánh răng, hãy súc miệng với nước trong khoảng 30 giây để loại bỏ các mảnh thức ăn còn sót lại cũng như phần nào mảng bám và vi khuẩn trong miệng, giúp các bước làm sạch răng tiếp theo diễn ra hiệu quả hơn.
Bước 2: Làm ướt bàn chải và lấy kem đánh răng
Sau khi súc miệng, bạn cần làm sạch bàn chải dưới vòi nước chảy, sau đó lấy một lượng kem đánh răng vừa đủ và chuyển sang bước chải răng.
Bước 3: Chải răng
Thứ tự chải răng thông thường sẽ là: Mặt ngoài – Mặt trong – Mặt nhai.
Chải mặt ngoài: Đặt đầu bàn chải nằm nghiêng khoảng 45 độ ở ngay phần chân răng, sao cho đầu lông bàn chải tiếp xúc với răng và một phần lợi. Tiến hành chải nhẹ nhàng theo chuyển động vòng tròn lần lượt 2 – 3 răng 1 lần, thực hiện liên tục cho đến khi chải hết toàn bộ răng.
Chải mặt trong: Làm tương tự như mặt ngoài, tuy nhiên với các răng cửa, bạn có thể xoay dọc đầu bàn chải và chải nhẹ nhàng theo hướng từ ngoài vào trong.
Chải mặt nhai: Đặt đầu lông bàn chải vuông góc với mặt nhai của răng, chải từ trong ra ngoài vài lần để răng được làm sạch hiệu quả.
Lưu ý: Không chải răng theo chiều ngang với lực mạnh. Điều này có thể làm tổn thương nướu và men răng.
Bước 4: Làm sạch mặt lưỡi
Sau khi chải răng, bạn nên sử dụng dụng cụ vệ sinh lưỡi chuyên dụng để vệ sinh vùng lưỡi, loại bỏ các vi khuẩn gây hôi miệng.
Hiện có nhiều mẫu bàn chải cũng tích hợp phần chải lưỡi bằng silicon ở mặt còn lại của đầu lông bàn chải. Nếu dùng loại bàn chải này, sau khi chải răng, bạn có thể quay ngược phần lưng bàn chải để vệ sinh lưỡi.
Bước 5: Súc miệng lại với nước sạch
Khi chải răng và lưỡi xong xuôi, bạn cần súc miệng thật kỹ với nước sạch, đảm bảo không để sót kem đánh răng trong khoang miệng.
Cuối cùng, hãy rửa bàn chải dưới vòi nước sạch để loại bỏ toàn bộ kem đánh răng, tạp chất bám trên đó.
Bạn có thể xem thêm video hướng dẫn chải răng đúng cách ngay bên dưới để hình dung rõ hơn nhé.
Cách chọn bàn chải đánh răng phù hợp
Dưới đây là một vài yếu tố cần chú ý khi chọn bàn chải đánh răng:
Lông bàn chải: Chải răng với bàn chải lông cứng có thể gây tổn thương nướu và làm mòn men răng, khiến răng bị ê buốt… Do đó, hãy ưu tiên chọn bàn chải lông mềm, có độ đàn hồi tốt để làm sạch thức ăn trong kẽ răng mà không gây tổn hại cho nướu. Ngoài ra, với các trường hợp chỉnh nha, ta có thể chọn bàn chải chuyên dụng với phần lông ở giữa ngắn hơn so với hai bên để đảm bảo khả năng làm sạch cả răng và mắc cài.
Tham khảo: Top 5 bàn chải rãnh tốt nhất cho răng niềng
Kích thước đầu bàn chải: Đầu bàn chải nên có kích thước phù hợp với khoang miệng, không quá 2cm để có thể dễ dàng len lỏi làm sạch từ “ngóc ngách” trên toàn bộ hàm răng. Ngoài ra, hãy chọn các thiết kế có phần đầu bo tròn để tránh làm răng và lợi bị tổn thương khi chải răng.
Tay cầm bàn chải: Nhiều người chỉ quan tâm đến phần lông bàn chải mà bỏ qua yếu tố tay cầm. Tuy nhiên, đây cũng là điều bạn cần cân nhắc để chọn được cho mình một chiếc bàn chải đánh răng phù hợp. Theo đó, hãy chọn những thiết kế có chiều dài và kích thước phù hợp với bàn tay của mình để có thể cầm nắm chúng một cách dễ dàng, chắc chắn, thuận tiện cho thao tác khi sử dụng.
Chất lượng và thương hiệu: Nên lựa chọn bàn chải đánh răng của các thương hiệu uy tín, được các chuyên gia và nha sĩ khuyên dùng. Các sản phẩm này thường được sản xuất bằng vật liệu an toàn, đồng thời kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng, đem lại sự an tâm khi sử dụng.
Tính năng đặc biệt: Nếu lựa chọn bàn chải điện, bạn nên quan tâm đến các tính năng đặc biệt như xoay hoặc rung để tăng hiệu quả làm sạch.
Một vài lưu ý giúp chăm sóc răng miệng hiệu quả hơn
Để việc đánh răng và chăm sóc răng miệng đạt hiệu quả tối ưu, bạn cũng cần lưu ý:
- Đánh răng nhẹ nhàng với bàn chải lông mềm.
- Lựa chọn kem đánh răng phù hợp với từng độ tuổi và nhu cầu.
- Thời gian đánh răng cần kéo dài khoảng 2 – 3 phút để có thể làm sạch kỹ lượng toàn bộ khoang miệng.
- Kết hợp sử dụng nước súc miệng, chỉ nha khoa để tăng hiệu quả làm sạch.
- Thay mới bàn chải đánh răng sau mỗi 2 – 3 tháng hoặc sử dụng hoặc khi lông bàn chải có dấu hiệu xơ, mòn.
- Không sử dụng chung bàn chải đánh răng với người khác.
- Thăm khám tại nha khoa uy tín và lấy cao răng định kỳ để duy trì sức khỏe răng miệng cũng như phát hiện sớm các bất thường…
Một số câu hỏi thường gặp khi đánh răng
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp khi đánh răng:
Khi nào nên tập đánh răng cho trẻ?
Không ít người nghĩ rằng thời điểm để tập cho trẻ đánh răng là khi bé đã mọc đủ răng sữa. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không phải vậy.
Theo các chuyên gia, ngay khi bé bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên trong đời (khoảng 6 tháng tuổi) là cha mẹ đã có thể tập cho con đánh răng bằng bàn chải đầu tròn, lông mềm dành riêng cho các bé trong độ tuổi này. Việc chăm sóc răng cho trẻ từ giai đoạn sớm sẽ giúp bé hình thành thói quen vệ sinh cá nhân tốt, đồng thời ngăn ngừa hiệu quả các bệnh lý răng miệng, giúp bé yêu có nụ cười rạng rỡ và hàm răng trắng xinh.
Xem thêm: Phải làm sao khi bé 5 tuổi bị sâu răng hàm?
Một ngày nên đánh răng mấy lần?
Theo khuyến nghị của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) nên đánh răng 2 lần/ngày vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối sau khi ăn hoặc trước khi đi ngủ. Mỗi lần chải răng, hãy thực hiện ít nhất 2 phút và đảm bảo làm sạch kỹ lưỡng từng kẽ răng.
Nên đánh răng trước ăn sáng hay sau ăn sáng?
Theo khuyến cáo của nha sĩ, việc đánh răng nên được thực hiện trước khi ăn sáng để loại bỏ vi khuẩn, tạo lớp bảo vệ răng, kích thích tiết nước bọt, giúp việc tiêu hóa thức ăn diễn ra hiệu quả hơn, đồng thời tăng cảm giác ngon miệng.
Nếu đánh răng sau khi ăn, bạn nên chờ ít nhất 30 – 60 phút rồi mới thực hiện, đặc biệt sau khi ăn các thực phẩm có tính acid như cam, chanh, bưởi… Điều này là do sau khi ăn, men răng tạm thời sẽ trở nên mềm hơn, nếu đánh răng ngay lúc này, men răng có thể bị tổn thương, đồng thời acid trong thức ăn cũng có thể làm giảm hiệu quả của kem đánh răng.
Xem chi tiết: Đánh răng trước hay sau ăn sáng tốt hơn?
Dùng chỉ nha khoa trước hay sau khi đánh răng?
Việc vệ sinh răng miệng sẽ đạt hiệu quả cao hơn nhiều khi kết hợp đánh răng và sử dụng chỉ nha khoa. Vậy nên dùng chỉ nha khoa trước hay sau khi đánh răng? Câu trả lời sẽ là nên đánh răng trước rồi mới dùng chỉ nha khoa.
Cụ thể, việc đánh răng với bàn chải phù hợp có thể làm sạch phần lớn khoang miệng và bề mặt răng. Tuy nhiên, có những vị trí mà các sợi lông bàn chải không thể luồn sâu vào kẽ răng để làm sạch hoàn toàn. Do đó, sử dụng chỉ nha khoa sau sau khi đánh răng sẽ giúp loại bỏ thức ăn và mảng bám còn sót lại trong kẽ răng, giúp khoang miệng được làm sạch kỹ lưỡng hơn.
Ngược lại, nếu sử dụng chỉ nha khoa trước khi đánh răng, các mảng bám trên răng chưa được làm sạch hoàn toàn có thể bị đẩy vào kẽ răng trong quá trình đánh răng, làm giảm hiệu quả của quá trình vệ sinh răng miệng.
Đọc thêm: Cách dùng chỉ nha khoa cho người mới
Dùng nước súc miệng trước hay sau khi đánh răng
Theo khuyến nghị của chuyên gia, ta nên dùng nước súc miệng sau khi đánh răng để loại bỏ nốt mảng bám và thức ăn thừa mà bàn chải đánh răng và chỉ nha khoa vẫn chưa thể làm sạch hết.
Các bước chăm sóc răng miệng hoàn chỉnh có thể được thực hiện như sau:
- Đánh răng với bàn chải và kem đánh răng phù hợp
- Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng
- Súc miệng với nước súc miệng chuyên dụng để làm sạch hoàn toàn răng miệng.
Kết luận:
Đánh răng đúng cách là việc cơ bản, đặc biệt cần thiết trong quy trình chăm sóc răng miệng hàng ngày. Tuy nhiên, chỉ đánh răng thôi là chưa đủ, hãy kết hợp sử dụng tăm nước, chỉ nha khoa hoặc nước súc miệng để có thể làm sạch răng miệng một cách tối ưu. Ngoài ra, đừng quên thăm khám nha khoa và lấy cao răng định kỳ mỗi 6 tháng/lần để có hàm răng chắc khỏe và nụ cười thật rạng rỡ.